Blogger Themes

Chứng khoán cho mọi người

Phần 1: Sơ lược về chứng khoán

Dữ liệu Chứng khoán

Báo cáo Tài chính / Thực hiện quyền

Liên hệ

Facebook / Google+

Thursday, August 18, 2011

Xếp hạng tín dụng còn đáng tin cậy?

Sự kiện hãng Standard & Poors (S&P) vừa hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín nền kinh tế số một thế giới, mà còn khiến các thị trường tài chính thế giới chao đảo. Ðộng thái này xới lại những tranh cãi vốn âm ỉ về độ tin cậy của kết quả đo lường tín nhiệm từ các tổ chức độc quyền về xếp hạng tín dụng quốc tế.

> Các Ngân hàng tiếp tục mua ròng ngoại tệ / Giá trị VND: Bào mòn và thử thách
> Ứng xử với nợ: Vay nước ngoài hay vay trong nước? / Nợ nước ngoài: Một năm tăng gần 4,6 tỷ USD
> Vàng xô đổ mọi kỷ lục về giá mọi thời đại 

S&P là 1 trong 3 tổ chức định mức tín nhiệm uy tín của Mỹ
Nhiều nhà đầu tư vội vàng rút các khoản đầu tư bằng đồng USD ngay khi S&P hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ, từ AAA xuống còn AA+, hôm 5-8 vừa qua. Ðiều đáng nói là S&P công bố kết quả xếp hạng sau khi QH Mỹ đã đạt thỏa thuận về kế hoạch cắt giảm chi tiêu và nâng trần nợ công, nhằm tránh cho Nhà trắng một cuộc "vỡ nợ kỹ thuật". Trong bối cảnh lo ngại gia tăng về khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Mỹ, quyết định của S&P khiến giá trị chứng khoán toàn cầu "bốc hơi" khoảng 6.800 tỷ USD.

Giới chức Mỹ chỉ trích S&P căn cứ vào những phân tích sai sót, thổi phồng mức nợ của Chính phủ Mỹ cao hơn thực tế tới 2.000 tỷ USD, dẫn tới quyết định hạ bậc tín dụng Mỹ. Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) ngày 13-8 bắt đầu điều tra phương thức mà cơ quan xếp hạng tín dụng danh tiếng này đánh tụt hạng tín nhiệm của Mỹ. SEC rà soát các chính sách S&P dựa vào để ra quyết định và S&P có tuân thủ quy trình đặt ra hay không. Các thanh tra cũng xem xét tin đồn về khả năng một số tổ chức và cá nhân biết trước về quyết định hạ mức tín nhiệm trước khi S&P công bố.

S&P dù thừa nhận sai lầm trong tính toán, nhưng vẫn kiên quyết bảo vệ quyết định của mình và cho đây là hậu quả của sự chia rẽ trong QH Mỹ, nên không thể đạt thỏa thuận cắt giảm khoảng 4.000 tỷ USD nợ công trong 10 năm tới. S&P khẳng định rất chú trọng bảo mật thông tin và cấm tham gia xếp hạng đối với các chuyên gia phân tích, thành viên ủy ban xếp hạng giao dịch, thành viên sở hữu cổ phiếu của các công ty và chính phủ mà họ đánh giá. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy nhân viên của S&P rò rỉ thông tin hay tham gia hoạt động giao dịch trước khi quyết định hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ được đưa ra.

Tranh cãi giữa giới chức Mỹ và S&P chưa tới hồi kết, nhưng chính điều này lại làm nổi lên hai vấn đề: Nền kinh tế Mỹ không còn ổn định, và S&P đang đánh mất uy tín trong việc đưa ra các kết quả xếp hạng. Theo giới phân tích, thâm hụt ngân sách lớn hiện nay của Mỹ chủ yếu là dư âm của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu giai đoạn 2008 - 2009, trong khi S&P và các cơ quan xếp hạng khác chính là những nhân tố "có vai trò" trong việc tạo ra cuộc khủng hoảng này.

Do đánh giá sai lầm chất lượng các chứng khoán nguy hiểm do Phố Uôn (Wall Street) phát hành hàng loạt và xếp hạng cao nhất cho những tổ chức hỗ trợ tài sản thế chấp, các cơ quan xếp hạng đã khiến các nhà đầu tư dồn tiền vào các loại chứng khoán "gần như vô giá trị" và gián tiếp gây ra khủng hoảng tín dụng nhà đất, mở đầu khủng hoảng tài chính ở Mỹ và lan ra toàn cầu. S&P chính là cơ quan đã xếp hạng A cho Lehman Brothers, tập đoàn tài chính đổ vỡ châm ngòi cho khủng hoảng vừa qua. Hồi tháng 4-2010 ngân hàng Goldman Sachs cũng từng bị SEC phanh phui đã lừa dối các nhà đầu tư khoảng một tỷ USD từ việc phát hành hàng loạt chứng khoán bất động sản dưới chuẩn. Cơ quan xếp hạng Moody’s từng đánh giá hạng AAA cho ngân hàng này...

Ngoài Mỹ, nhiều chính phủ châu Âu cũng đang bất bình về các quyết định hạ bậc tín nhiệm do các cơ quan xếp hạng đưa ra, gây khó khăn cho họ trong việc thu hút vốn để phục hồi kinh tế. Các nhà đầu tư có xu hướng "ly khai" với những nhận định của các hãng này. Một số công ty quản lý đầu tư lớn cho rằng: Do dựa trên các phương pháp lạc hậu, đánh giá của các cơ quan xếp hạng tín dụng không còn xác đáng. Nhiều khách hàng trong giới đầu tư đã phải gánh chịu hậu quả từ "cảnh báo không thích đáng" của các hãng độc quyền về xếp hạng tín dụng.

                                                                                                                          (Theo Nhandan)

No comments:

Post a Comment