Blogger Themes

Chứng khoán cho mọi người

Phần 1: Sơ lược về chứng khoán

Dữ liệu Chứng khoán

Báo cáo Tài chính / Thực hiện quyền

Liên hệ

Facebook / Google+

Monday, August 15, 2011

Nợ nước ngoài: Một năm tăng gần 4,6 tỷ USD

Chậm hơn thường lệ, bản tin về nợ nước ngoài đến cuối năm 2010 của Việt Nam, theo quy định được công bố với độ trễ nửa năm, mãi đến tháng 8/2011 mới được công bố chính thức.

Năm 2010, Việt Nam nợ nước ngoài thêm gần 4,6 tỷ USD
Điểm đáng chú ý trong bản tin số 7 vừa công bố là những cập nhật về mặt con số đều cho thấy gánh nặng nợ nần của Việt Nam đang tăng lên rất nhanh. Cho nên, nguyên tắc quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công 2009 về bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và cân đối vĩ mô nền kinh tế, có lẽ là điều đáng bàn nhất lúc này.

Vượt 32,5 tỷ USD

Theo bản tin số 7, tổng số nợ nước ngoài của Việt Nam (chỉ bao gồm nợ Chính phủ trung ương, địa phương và nợ do Chính phủ bảo lãnh) tính đến cuối năm 2010 đã vượt 32,5 tỷ USD, từ con số gần 27,93 tỷ USD trong năm trước đó.

Điều đó cũng có nghĩa, trong vòng 1 năm, khối nợ nước ngoài của Việt Nam đã gia tăng thêm gần 4,6 tỷ USD.

Trong khi đó, nếu tính cả khoản trả nợ gốc trong năm gần 1,06 tỷ USD, ước tính trong năm 2010, Việt Nam đã thông qua các hiệp định, hợp đồng vay nợ tổng cộng xấp xỉ 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 5,3% GDP cùng năm (theo ước tính của Tổng cục Thống kê vào khoảng 104,6 tỷ USD).
 
Với ý nghĩa là khoản vay để bù đắp bội chi ngân sách, theo công bố của Bộ Tài chính ngày 1/4 năm nay, là vào khoảng 5,6% GDP, thì vay nước ngoài năm 2010 của Việt Nam có vẻ tiếp tục vượt trội so với vay trong nước.
 
Con số dư nợ tăng trong mấy năm gần đây “nhảy nhót” không theo tốc độ tịnh tiến đều (năm 2007 tăng thêm khoảng 3,6 tỷ USD; 2008 khoảng 2,6 tỷ USD; 2009 trên 6,1 tỷ USD). Có điểm trùng hợp là ở những giai đoạn thị trường ngoại hối xuất hiện căng thẳng, hiệp định vay vốn nước ngoài thường được thông qua. Năm 2010, dự trữ ngoại hối cũng ghi nhận sự sụt giảm lớn, theo một số ước tính có thể lên đến 4 tỷ USD, còn năm 2009 trước đó thì ghi nhận mức thâm hụt tới 8,8 tỷ USD.
 
Ngoài ra, khía cạnh đánh đổi giữa tăng trưởng đạt thấp trong năm ngoái (6,78%) với những rủi ro tăng lên cùng khối nợ nước ngoài nở rộng nhanh cũng là điểm cần xem xét.
 
Chi phí vay ngày càng “đắt”
 
Cũng theo bản tin số 7, phần lớn nợ nước ngoài của Chính phủ có lãi suất thấp từ 0% đến dưới 3%. Cụ thể là trong tổng số gần 27,86 tỷ USD dư nợ thì có tới gần 21,85 tỷ USD ở mức lãi suất này, tăng khoảng 11,1% so với năm 2009. Dư nợ các khoản vay có lãi suất thả nổi theo LIBOR 6 tháng và Euro LIBOR 6 tháng chỉ tăng rất ít trong năm 2010, tổng cộng là trên 1,96 tỷ USD.
 
Tuy nhiên, tốc độ tăng của các khoản vay lãi suất cao mới là vượt trội. Có trên 2,15 tỷ USD dư nợ có lãi suất từ 3% đến dưới 6%, tăng tới 43% so với năm trước; lãi suất từ 6-10% có tổng dư nợ trên 1,89 tỷ USD, gấp hơn hai lần năm 2009.
 
Điều này cũng làm thay đổi rất nhiều nghĩa vụ nợ hàng năm về nợ nước ngoài của Chính phủ, theo sau mỗi bản tin về nợ nước ngoài được công bố. Với cập nhật mới nhất, từ nay đến năm 2015, Việt Nam sẽ phải trả nợ nước ngoài cả gốc và lãi mỗi năm xấp xỉ 1,5 tỷ USD.
 
Mức đỉnh mới về trả nợ sẽ rơi vào năm 2020, với nợ phải trả lên tới gần 2,4 tỷ USD, trong khi chỉ một năm trước, Bộ Tài chính mới đưa mức dự kiến cho năm này khoảng 1,15 tỷ USD.
 
Riêng trong năm 2010, đã có khoảng 1,67 tỷ USD ra khỏi Việt Nam qua các khoản trả nợ gốc, lãi và phí, tăng gần 30% so với con số 1,29 tỷ USD của năm trước đó. So sánh dữ liệu về nghĩa vụ nợ năm 2010 với tổng thu ngân sách cùng năm của Bộ Tài chính, tỷ lệ này là khoảng 5,5%.
 
Liên quan đến dòng chảy này, năm 2010 cũng ghi nhận thêm khoản nợ mới từ phát hành trái phiếu Chính phủ quốc tế với lợi suất trên 7% mà thời hạn kéo dài trong 10 năm, rơi đúng vào đỉnh năm 2020 như nói ở trên.
 
Cũng sau khoản trái phiếu 1 tỷ USD được phát hành thành công, chủ nợ của Việt Nam cũng có thêm nhiều đối tượng là cá nhân nắm giữ trái phiếu. Tuy nhiên, cơ cấu đồng tiền vẫn khá tập trung, chủ yếu là đồng Yên Nhật, SDR (quyền rút vốn đặc biệt, đơn vị tiền tệ quy ước của của một số nước thành viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF), USD và Euro.
 
Cụ thể, đồng Yên chiếm tỷ trọng lớn nhất 38,8%; tiếp đến là SDR gần 27,1%; và USD, Euro lần lượt là 22,2% và 9,2%. Điều này cho thấy tỷ giá những khi thay đổi có thể thổi phồng khối nợ rất nhanh, và tỷ trọng nghĩa vụ nợ so với thu ngân sách cũng có thể thay đổi theo.
 
Có đi kèm rủi ro?
 
Theo bản tin số 7, đa số các chỉ tiêu giám sát nợ nước ngoài xấu đi so với năm 2009. Tổng dư nợ nước ngoài so với GDP đã ở mức 42,2%, nếu so với tiêu chí của Ngân hàng Thế giới (WB) thì thuộc diện vừa phải.
 
Tuy nhiên, tỷ lệ dư nợ nước ngoài so với GDP đang tăng rất nhanh cũng hàm ý rằng những giới hạn an toàn đang bị đe dọa. Chỉ trong vòng 3 năm gần đây, từ 2008 đến cuối 2010, chỉ tiêu này của Việt Nam đã “nở” thêm khoảng 10 điểm phần trăm.
 
Nhưng đáng chú ý nhất là tỷ lệ giữa dự trữ ngoại hối so với tổng dư nợ ngắn hạn đang xuống thấp. Nếu như năm 2007, chỉ tiêu này đang là gấp gần 102 lần, cuối năm 2010 ghi nhận chỉ còn chưa đầy 2 lần.
 
Có hai vấn đề đặt ra với sự thay đổi này, một là dự trữ ngoại hối đang mỏng hơn, và hai là nợ ngắn hạn đang tăng lên nhanh chóng.
 
Theo nhiều nguồn số liệu thì năm 2009, thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam ở mức 8,8 tỷ USD, năm 2010 vào khoảng 4 tỷ USD (có nguồn tin là 2,6 tỷ USD). Diễn biến này đã bào mòn dự trữ ngoại hối.
 
Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế đã từng cảnh báo rằng nợ nước ngoài của Việt Nam có lãi suất ngày càng cao và kỳ hạn vay ngày càng ngắn. Quan điểm này một lần nữa lại được khẳng định tại bản tin số 7, khi nghĩa vụ nợ dự kiến của Việt Nam thay đổi liên tục trong mấy năm gần đây mà chủ yếu là trong tương lai gần.
 
Cùng lúc với dư nợ nước ngoài tăng nhanh và dự trữ ngoại hối vơi đi, tỷ giá tiếp nối vào rủi ro nợ của Việt Nam. Theo dữ liệu từ bản tin số 7, tỷ giá cuối kỳ của VND so USD đã giảm khoảng 10,26% trong so sánh năm 2010 với 2009; tương tự, so với Euro giảm 11,14%; so với SDR giảm khoảng 5,53%; và so với đồng Yên tăng 6,43%.
 
Trong bối cảnh lạm phát liên tục tăng cao, dự địa chính sách tiền tệ để ổn định ngoại hối sẽ khó khăn hơn khi phải đánh đổi giữa nghĩa vụ nợ tăng lên, hay bào mỏng dự trữ để can thiệp. Bởi, cùng với trách nhiệm trả nợ thì Chính phủ còn phải cân nhắc đến khả năng tăng thu ngân sách, khi mà tỷ trọng thu so với GDP đã cao và tình hình kinh tế trong ngắn hạn chưa cho thấy triển vọng phục hồi mạnh mẽ.

                                                                                                                    (Theo VnEconomy)

No comments:

Post a Comment