Blogger Themes

Chứng khoán cho mọi người

Phần 1: Sơ lược về chứng khoán

Dữ liệu Chứng khoán

Báo cáo Tài chính / Thực hiện quyền

Liên hệ

Facebook / Google+

Monday, August 29, 2011

Tiếp tục tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước mong muốn điều gì?

Pierpont Bui - Thông báo tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với ngoại tệ lần thứ 3 kể từ đầu năm

> Ứng xử với nợ: Vay nước ngoài hay vay trong nước? / Nợ nước ngoài: Một năm tăng gần 4,6 tỷ USD

NHNN tiếp tục tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thêm 1%
Ngày 26/8/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1925/QĐ-NHNN về điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng(TCTD).

Theo Quyết định này, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ áp dụng đối với các NHTM Nhà nước (không bao gồm Agribank), NHTM cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 8% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Riêng Agribank, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác là 7% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng ngoại tệ được áp dụng đối với các NHTM Nhà nước (không bao gồm Agribank), NHTM cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính là 6% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Riêng Agribank, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác là 5% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 9/2011 và thay thế Quyết định số 1209/QĐ-NHNN ngày 01/6/2011 của Thống đốc NHNN.

Như vậy, ở tất cả khoản mục với các TCTD, tỷ lệ dự trữ bắt buộc với ngoại tệ đã tăng thêm 1%. Đáng chú ý đây là lần tăng thứ 3 liên tiếp từ đầu năm, sau hai lần tăng vào các tháng 5 và tháng 8. Và lần tăng này diễn ra ngay sau cuộc họp bàn về vấn đề giảm lãi suất của NHNN với 12 Ngân hàng Thương mại lớn trong ngày 26/08/2011

Ngân hàng Nhà nước mong muốn điều gì sau điều chỉnh trên?

Trước hết cần khẳng định, ngay khi mới lên nhậm chức, Tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nêu rõ mục tiêu cần làm sớm là hạ lãi suất cho vay đầu ra về mức 17 – 19% / năm. Nhằm mục đích khơi thông luồng vốn, giảm thiểu rủi ro và giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế được khởi sắc trở lại do lãi suất thấp hơn.

Tuy nhiên, một trở ngại lớn ngay khi có sự điều chỉnh giảm lãi suất xuống “nhanh” về mức 17 – 19%/năm là nó dẫn đến “cảm giác” đồng Việt Nam (VND) bị mất giá, hay lãi suất có thể “thực âm” và dẫn đến sự dịch chuyển dòng vốn từ VND sang các tài sản khác, như ngoại tệ (USD, EUR, …), vàng, chứng khoán, bất động sản …

Trong các tài sản kể trên, ngoại tệ là kênh dễ được chuyển đổi ngay, mức độ dao động cũng không lớn. Việc này sẽ tác động tới tỷ giá hối đoái, vốn được giữ ổn định từ đầu năm và gần đây có chút “nhúc nhích” do sự biến động mạnh trên thị trường vàng. Điều này dẫn tới tới cầu có tính chất “đầu cơ dự trữ” về ngoại tệ gia tăng, nhất là trong bối cảnh cuối năm hay căng thẳng thì sẽ góp thêm làm tăng tỷ giá nhất định (nếu không có sự can thiệp của NHNN).

Như vậy việc tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ ngay lúc trước khi hạ lãi suất VND là làm tăng sự “hấp dẫn” cho VND thêm nữa và làm giảm mãi lực “đầu cơ” vào ngoại tệ do lãi suất ngoại tệ sẽ càng bị giảm bớt sau quyết định trên của NHNN.

Dù chưa đưa ra một số liệu chính thức về nhu cầu vay mượn ngoại tệ trong nền kinh tế từ đầu năm nhưng có thể khẳng định chắc chắn là nhu cầu vay mượn để kinh doanh bằng ngoại tệ đã tăng vọt so với VND, sở dĩ có điều này là do trong khi tỷ giá đã được ổn định từ đầu năm, nhưng chêch lệch lãi suất giữa VND và ngoại tệ rất lớn (20 – 24%/năm so với chưa tới 10%/năm), dẫn tới nhu cầu vay ngoại tệ tang vọt do chi phí “rẻ” hơn đáng kể.

Hệ lụy của việc trên là về lâu dài các tổ chức vay nói trên sẽ phải trả Ngân hàng cả gốc và lãi cũng chính bằng ngoại tệ, dẫn tới cầu ngoại tệ luôn lớn, đặc biệt vào các thời điểm cuối năm, gây áp lực căng thẳng lên tỷ giá, ảnh hưởng rộng đến nền kinh tế vĩ mô và vấn đề lạm phát. Do lâu nay Việt Nam luôn là nước nhập siêu, nên nếu tỷ giá tăng, thì giá cả đầu vào nhập khẩu sẽ còn tăng hơn nữa, qua đó gián tiếp tác động tới chi phí tiêu dùng, giá cả đầu vào cũng tăng theo, gây tiêu cực tới vấn đề lạm phát vốn đang ở mức cao của Việt Nam.

Như vậy, sẽ tạo ra một vòng “luẩn quẩn” càng xoáy vào nhu cầu vay, đầu cơ tích trữ ngoại tệ. Quyết định nói trên của NHNN sẽ giúp chống đầu cơ vào ngoại tệ, giảm áp lực tỷ giá, nâng cao dự trữ ngoại hối của NHNN, tạo khả năng can thiệp tốt khi có sự biến động trên thị trường ngoại hối. Mục đích nói trên sẽ càng trở nên hiện thực khi lãi suất VND giảm xuống còn 17 – 19%.

Như vậy, có thể thấy quyết định nói trên là một trong số tổng thể các biện pháp của NHNN nhằm làm giảm lãi suất VND về mức 17 – 19%. Tới đây tin rằng NHNN sẽ công bố một số các giải pháp khác nhằm bình ổn lại thị trường vàng, giúp cho giá vàng trong nước diễn biến phù hợp với giá vàng quốc tế, chống đầu cơ, làm giá, vốn tác động mạnh tới tâm lý về lạm phát của người dân trong suốt thời gian qua.

                                                                                                  (Pierpont Bui thực hiện và phân tích)

No comments:

Post a Comment