Hãy thử đặt mình là một trong dòng người đứng xếp hàng lấy ticket để được hẹn mua vàng những ngày đầu tuần này…
Niềm tin vào giá trị tiền đồng đang bị thử thách |
Và phía sau đó là niềm tin vào VND.
Từ câu chuyện của Agribank
Tại buổi tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đưa ra kết quả đáng chú ý: tăng trưởng tín dụng 6 tháng mới chỉ đạt 0,6%.
Trong bối cảnh nhiều nhà băng vừa cho vay vừa dè chừng giới hạn tăng trưởng 20%, câu nói vui của người trong ngành là: “Nhìn Agribank mà thèm…”.
Năm nay, Agribank đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 11 - 12%. Với kết quả trên, hoàn thành chắc là rất khó. Mà nếu “ông lớn” này hoàn thành, con số tăng trưởng chung của toàn hệ thống sẽ cải thiện rõ rệt chứ không lẫm chẫm cỡ 1/3 quãng đường của chỉ tiêu, thậm chí còn sụt giảm trong tháng 7.
Bởi lẽ, về tổng tài sản, vốn điều lệ và thị phần thì Agribank hiện đang dẫn đầu. Tính đến cuối năm 2010, ngân hàng này có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống với hơn 523 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 15% tỷ trọng toàn ngành và 30% tỷ trọng nhóm ngân hàng quốc doanh); vốn điều lệ cũng lên tới hơn 20,7 nghìn tỷ đồng.
Ước tính, tổng dư nợ của các ngân hàng hiện trên dưới 2,5 triệu tỷ đồng, riêng Agribank tính đến 30/6/2011 dư nợ là 417.312 tỷ đồng, tức chiếm tỷ trọng trên dưới 16%.
Câu hỏi đặt ra là vì sao tăng trưởng tín dụng của Agribank quá thấp như vậy? VnEconomy cũng đã đặt câu hỏi này với lãnh đạo cao cấp của Agribank nhưng chưa có câu trả lời. Nhưng nhìn vào cơ cấu vốn và các cân đối thì cũng có thể định hình một số điểm cơ bản.
Theo như định hướng đặt ra trong năm 2010, Agribank phấn đấu 70% khách hàng mà họ giải ngân là các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Lĩnh vực này xét chung luôn được ưu đãi lãi suất, có mặt bằng thấp hơn hẳn so với cho vay thông thường. Vậy mà tín dụng gần như không tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2011. Đây cũng là kết quả đáng tham khảo về chủ trương mà Ngân hàng Nhà nước luôn nhấn mạnh thời gian qua, ưu tiên vốn cho nông nghiệp, nông thôn.
Nhưng, cái chính là đầu vào của “ông lớn” này bị hạn chế khiến đầu ra không thể đẩy mạnh. Tính đến 30/6/2011, tổng nguồn vốn của Agribank đạt 487.615 tỷ đồng, chỉ tăng 2,67% so với đầu năm, trong khi dư nợ đã đạt 417.312 tỷ đồng; nguồn lực cũng đã được đẩy mạnh khai thác khi tỷ lệ dư nợ/tổng nguồn vốn đã đến mức 85,6%.
Ngoài ra, một chỉ số khác để tham khảo thêm là hệ số an toàn vốn (CAR), nhưng ở các kênh thông tin công bố chính thức hiện chưa có cập nhật cụ thể.
Huy động vốn hạn chế, trong khi đây là nhà băng có mạng lưới số 1 Việt Nam, trải rộng khắp các địa bàn. Vậy có phải tiền trong dân đã cạn? Điều này có vẻ nghịch lý với dòng người xếp hàng để được mua vàng những ngày qua. Lãi suất lên tới 14%/năm mà vẫn chưa hấp dẫn? Câu trả lời là lạm phát quá cao, giá trị VND bị bào mòn và lãi suất không đủ hấp dẫn người gửi tiền.
Từ Agribank đến rộng hơn là cả hệ thống, tăng trưởng huy động vốn thời gian qua cũng đì đẹt. Tính đến 20/7 mới chỉ tăng có 3,96%, thậm chí còn giảm 0,25% so với tháng 6.
Lạm phát tỷ lệ nghịch với niềm tin đối với VND. Khó có thể trách dòng người xếp hàng chờ ticket mua vàng, hay đang âm thầm gom “đô” trên thị trường tự do được.
Đến thử thách của niềm tin
Sau bài viết “Hai thử thách đầu tiên chờ Thống đốc Nguyễn Văn Bình” trên VnEconomy, người viết nhận được cuộc gọi của một bạn đọc quen thuộc: “Bạn đặt vấn đề chưa đúng đích lớn nhất. Thử thách lớn nhất lúc này là làm sao giữ được niềm tin VND, mà điều này đi cùng với yêu cầu kiềm chế được lạm phát, nhưng làm sao vừa kiềm chế được lại không gây mất thanh khoản hệ thống?”.
Nhìn lại, từ đầu năm đến nay, công cụ chủ yếu mà Ngân hàng Nhà nước sử dụng để chống lạm phát là lãi suất. Sau những lần tăng dồn dập các lãi suất điều hành, dường như giới hạn của công cụ này đã rất gần. Bởi thực tế là nhiều doanh nghiệp điêu đứng, sản xuất đình trệ, mà lạm phát vẫn liên tiếp tăng cao (dĩ nhiên độ trễ của tác động chính sách thường từ 3 - 6 tháng).
Câu hỏi là tại sao Ngân hàng Nhà nước không dùng biện pháp kinh điển trong chống lạm phát là tăng dự trữ bắt buộc? Nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng đã nhiều lần giải thích: không sử dụng công cụ đó vì hệ thống ngân hàng Việt Nam không đồng đều, trong khi tác động của nó rất rộng lớn. Hay cách ông nói tại cuộc gặp báo chí tháng 6 vừa qua là: “Tăng dự trữ bắt buộc là một giải pháp bạo lực”.
Thế nhưng, vẫn có quan điểm cho rằng cần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc như là một liệu pháp mạnh để chống lạm phát, đi cùng với đó là “phụ gia” để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Hồi tháng 4/2011, lạm phát tăng bất thường, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại khi trò chuyện với VnEconomy có đưa ra một phương án rằng: Ngân hàng Nhà nước có thể tăng mạnh dự trữ bắt buộc để hút tiền về chống lạm phát, nhưng sẽ trả lãi suất cho tiền gửi dự trữ bắt buộc ở mức chấp nhận được để bù đắp chi phí cho các ngân hàng, tránh tác động đẩy chi phí đó vào lãi suất cho vay.
Mặt khác, do sự không đồng đều trong hệ thống, nhà điều hành xem xét tái cấp vốn cho những thành viên thanh khoản yếu, để tránh những mũi khoan lãi suất gây xáo trộn trên thị trường. Lãi suất tái cấp vốn đó bằng với lãi suất trả cho tiền gửi dự trữ bắt buộc. Cho vay theo con đường này, ngân hàng muốn mượn thì phải thế chấp bằng chính vốn điều lệ của mình, đồng nghĩa với sự chấp nhận nếu không trả được nợ thì Ngân hàng Nhà nước sẽ trở thành chủ sở hữu.
“Cách đó tất nhiên là cần có sự thông qua của đại hội cổ đông. Nhưng đó là một cách nói để thấy rằng, khi ngân hàng thương mại đem cả “bàn thờ tổ” của mình ra thế chấp thì Ngân hàng Nhà nước hãy tin và hỗ trợ họ”, vị lãnh đạo ngân hàng này nói.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước vừa rút được tiền về để chống lạm phát, vừa trung hòa được tác động và hạn chế bất ổn thanh khoản ở một số thành viên.
Tại thời điểm đó (tháng 4/2011), quan điểm trên là sự tâm huyết mang tính trao đổi cá nhân. Bởi trong công việc, quan điểm tăng dự trữ bắt buộc có thể không dễ chịu với các ngân hàng thương mại nói chung.
Nhưng nếu đó là một giải pháp hiệu quả, tốt cho nền kinh tế - môi trường hoạt động của các ngân hàng - thì có lẽ sẽ được ủng hộ; các ngân hàng thương mại có thể cùng chia sẻ vì đại cục, vì mục tiêu kìm cương con ngựa lạm phát.
Và nếu kiềm chế lạm phát thành công, giá trị VND sẽ được củng cố thay vì đứng nhìn lượng vốn huy động của hệ thống sụt giảm, trong khi dòng người vẫn chen lẫn mua vàng hay âm thầm gom “đô” như những ngày qua …
(Theo VnEconomy)
No comments:
Post a Comment